Doanh nghiệp cơ khí tìm hướng thoát "cái bóng" của dầu khí

Thảo luận trong 'Tư vấn nghề nghiệp' bắt đầu bởi Admin, 25/9/18.

  1. Admin

    Admin Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    2/4/16
    Bài gửi:
    323
    Đã được thích:
    8
    Điểm thành tích:
    18
    Những năm gần đây, các DN công nghiệp cơ khí tại BR-VT chịu tác động bất lợi từ sự suy giảm của ngành dầu khí. Trong bối cảnh đó, một số DN đã nhanh chóng tìm cách thích ứng với những hướng đi riêng.

    CHUYỂN HƯỚNG SANG THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

    Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) là một DN chuyên sản xuất các thiết bị tách dầu, giàn khoan, bình bồn áp lực, hệ thống súc rửa, cơ khí thủy lực. Những năm trước, các sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ cho ngành dầu khí trong nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ngoài các thiết bị phục vụ cho ngành dầu khí, Alpha ECC còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như hệ thống cán - kéo thép, lò nấu thép, hệ thống xử lý hóa chất, lò hơi, lò đốt… Hiện nay, các sản phẩm của công ty có thể xuất sang các nước như Đức, Úc, Nauy, một số nước Bắc Mỹ và châu Á. Thị trường nước ngoài chiếm đến 70% và công ty đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành dầu khí.

    [​IMG]
    Công nhân làm việc tại Công ty Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu).

    Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Alpha ECC cho biết, ngành khai thác dầu khí suy giảm đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất truyền thống của công ty. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, DN rất chú trọng vào những yếu tố nền tảng của công nghiệp cơ khí: nâng cao tay nghề của người lao động, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, khi lĩnh vực dầu khí đi xuống, Công ty đã chủ động chuyển hướng chiến lược, vừa ổn định sản xuất vừa mở rộng lĩnh vực chế tạo. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà những năm qua, Alpha ECC vẫn có đơn hàng đều đặn. Công nhân của công ty không những có việc làm ổn định, mà còn thường xuyên phải tăng ca để theo kịp hợp đồng sản xuất với các đối tác.

    Ông Vũ Văn Đảo cho rằng, BR-VT có rất nhiều lợi thế phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Mà yếu tố quan trọng nhất chính là hệ thống cảng biển với khả năng kết nối xuất - nhập khẩu thuận lợi. Do đó, nếu DN chủ động hướng vào các yếu tố nền tảng thì có thể tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển, tránh phụ thuộc vào lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.

    Tương tự, Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (đường số 12, KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) thành lập năm 2008, với mục tiêu ban đầu là sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành dầu khí như: thiết bị nâng hạ dầu khí, hàng hải… để cung cấp cho các nhà thầu. Hiện nay, công ty đã mở rộng quy mô sản xuất với 1 công ty mẹ (chuyên gia công, xây lắp công nghiệp) và 2 công ty con (chuyên gia công dây nâng hàng, dây an toàn và kiểm định thiết bị). Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty cho biết, khoảng 3 năm gần đây, ngành dầu khí sụt giảm, nhiều ngành CN hỗ trợ cho ngành dầu khí cũng khó khăn. Để kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh phụ thuộc vào ngành dầu khí, Công ty CP Liên hiệp Mê Kông đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm xích cẩu hàng, kẹp dầm, kẹp tôn, lưới cẩu hàng, dây buộc tàu, pa-lăng nâng hạ… Những sản phẩm này, một phần phục vụ cho ngành dầu khí, một phần phục vụ cho thị trường mới là các công ty sản xuất vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, những năm qua, dù lĩnh vực dầu khí suy giảm, nhưng hoạt động của công ty vẫn ổn định.

    [​IMG]
    Công nhân ép đầu cáp tại Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) .

    CẤN TIẾP THÊM LỰC VỀ CHÍNH SÁCH VÀ VỐN

    Theo Hội Cơ khí tỉnh, công nghiệp cơ khí là một trong những ngành then chốt, có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội của BR-VT. Nhu cầu về sản xuất và chế tạo cơ khí trên địa bàn tỉnh và khu vực rất lớn. Tuy nhiên, nhìn chung, hiện nay, các DN cơ khí còn gặp nhiều khó khăn do ngành nghề này đòi hỏi lượng vốn lớn nhưng chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, trong khi năng lực tài chính của các DN chưa mạnh. Các cơ sở, DN cơ khí trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp. Thiết bị tự động trong các DN cơ khí hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% và tính đồng bộ của dây chuyền sản xuất không cao. Đa phần DN cơ khí đầu tư nhỏ lẻ vào khâu chế tạo, gia công kim loại, kết cấu thép là lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp. Theo chủ một DNTN chuyên về lĩnh vực thiết bị giàn khoan và container, muốn đẩy mạnh sản xuất, DN buộc phải đầu tư máy móc thiết bị, cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các chương trình hỗ trợ vốn cho DN trong lĩnh vực cơ khí còn ít.

    [​IMG]
    Sản xuất thép cuộn tại Nhà máy thép SMC (KCN Phú Mỹ 1,TX. Phú Mỹ).

    Ông Trương Thành Công, Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh cho biết, với tốc độ phát triển công nghiệp cơ khí như hiện nay, BR-VT cần sớm điều tra đánh giá năng lực cơ khí, hoàn thiện quy hoạch toàn ngành cơ khí, từng chuyên ngành và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Quan tâm đến xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý… Ngoài ra, Hội Cơ khí tỉnh sẽ tập hợp, liên kết các DN theo hướng hợp tác và phân công chuyên sâu trong ngành, hỗ trợ khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; giúp các DN cơ khí đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn và trình độ chuyên nghiệp cao; đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, cạnh tranh… Đây là những việc làm cấp thiết không chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương mà còn tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - một trong những mắt xích quan trọng đối với chiến lược tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.


    Bài, ảnh: QUANG VŨ
    Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
     

Đối tác của BARIAVUNGTAUWORKS.COM